BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRẦN VĂN THỜI
Nâng cao y đức - Kiến thức trau dồi - Hướng về người bệnh
1. Sơ lược Quá trình hình thành và phát triển
Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời Trần Văn Thời tiền thân là Ban Y tế Thể dục thể thao huyện Trần Văn Thời được thành lập từ 5/1979. Với một cơ sở y tế mới hình thành chỉ vài căn nhà lá và tổng số cán bộ là 19 người, có 2 Y sĩ còn lại là y tá, cứu thương, dược tá và tạp vụ.
Đến năm 1985, Ban Y tế Thể dục thể thao được đổi tên là Phòng Y tế và Năm 1988 Phòng Y tế được đổi tên thành Trung tâm Y tế. Đây là mô hình hoạt động mới, có những bước phát triển vững chắc hơn, cơ sở vật chất được nâng cấp và xây dựng mở rộng hơn, máy móc trang thiết bị giúp cho chẩn đoán và điều trị từng bước được trang bị khá đầy đủ, cán bộ luôn được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý. Nhìn chung cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân thời bấy giờ.
Thực hiện Nghị định số 172/2004/NĐ-CP, ngày 29/9 /2004 của Chính phủ, ngày 01/01/2006, Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời được tác ra từ Trung Tâm Y Tế, thực hiện vị trí, chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện đa khoa hạng III, nhiệm vụ chính là cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và khu vực lân cận.
Nhằm thực hiện đề án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện của Bộ Y tế giai đoạn 2005 – 2008. Căn cứ vào thực trạng và sự cần thiết để phục vụ người bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện lên thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Trần Văn Thời theo Quyết định số 189/QĐ-CTUB, ngày 08/12/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và đi vào hoạt động đến ngày 01/10/2016, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời.
Ngày 9/9/2019, Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời được nâng hạng Bệnh viện hạng III lên Bệnh viện hạng II theo Quyết định số 1512/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
2. Cơ cấu tổ chức và nhân lực :
* Cơ cấu tổ chức: 1 giám đốc, 3 phó giám đốc, có 04 phòng chức năng (Kế hoạch tổng hợp, Tổ chức hành chính, Tài chính kế toán, Điều dưỡng), 10 khoa Lâm sàng (Khoa Khám bệnh, Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc, Nội tổng hợp, Nhi, Nhiễm, Ngoại tổng hợp, Phụ sản, Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Liên chuyên khoa; Y học cổ truyền) và 5 khoa Cận lâm sàng (Dược; Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dinh dưỡng).
* Nhân lực:
Tổng số nhân lực đến 31/10/2019 là 245 viên chức (biên chế 183; hợp đồng 69). Trình độ cán bộ ngày được chuẩn hoá theo quy định, cụ thể:
+ Về chính trị: cao cấp 3; trung cấp 42; sơ cấp và lý luận phổ thông 52.
+ Về quản lý nhà nước: 34; quản lý bệnh viện: 6 ; quản lý điều dưỡng: 14.
+ Về chuyên môn nghiệp vụ có: bác sĩ 56 (trong đó: 05 CK II, 29 CKI), 01 dược sĩ CK II, 03 DS đại học, 12 cữ nhân điều dưỡng, 02 CN Hộ sinh, 01 CN XN, 18 đại học khác, 50 cao đẳng điều dưỡng, 01 CĐ Dược, 01 CĐ thiết bị y tế, 74 trung học các loại, 01 sơ học, 22 viên chức khác.
3. Các tổ chức đảng và đoàn thể gồm:
Đảng bộ Bệnh viện có 9 chi bộ.
Công đoàn cơ sở có 9 tổ công đoàn.
Đoàn thanh niên có 3 chi đoàn.
4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị:
Giường kế hoạch được giao 230, giường thực kê 283. Bệnh viện đang được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình và đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 đến nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực.
Bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như Hệ thống phẩu thuật nội soi ổ bụng, máy nội soi tai mũi họng, máy nội soi dạ dày, tá tràng, đại tràng, máy siêu âm màu 3D/4D, máy đo loãng xương, soi cổ tử cung...
5. Chức năng nhiện vụ chính được giao:
Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời được xếp hạng bệnh viện hạng II, là đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn Trần văn Thời và các huyện lân cận. Với chức năng, nhiệm vụ cụ thể như sau:
5. 1. Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh:
a. Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh về chuyên khoa để khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.
b. Giải quyết các bệnh chuyên khoa thuộc khu vực.
c. Tham gia khám giám định sức khỏe và khám giám định pháp y khi hướng dẫn giám định y khoa trung ương hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.
5.2. Đào tạo cán bộ:
a. Bệnh viện là cơ sở thực hành đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa ở bậc trung học, đồng thời tham gia giảng dạy chuyên khoa ở bậc trung học.
b. Tổ chức đào tạo liên tục các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên khoa.
5.3. Nghiên cứu khoa học về y học:
a. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học thuộc lĩnh vực chuyên khoa ở cấp Bộ và cấp Cơ sở, chú trọng nghiên cứu các đề tài về y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
b. Tham gia với y tế cơ sở triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình chuyên khoa tại cộng đồng.
5.4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật:
a. Lập kế hoạch và chỉ đạo hoạt động chuyên khoa ở tuyến dưới và những người hành nghề tư về chuyên khoa trong khu vực để phát triển và nâng cao kỹ thuật chuyên khoa.
b. Kết hợp với y tế cơ sở chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình hoạt động chuyên khoa tại cộng đồng.
5.5. Phòng bệnh:
- Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thực hiện thường xuyên công tác phòng bệnh, phòng dịch.
5.6. Hợp tác quốc tế:
Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ngoài nước theo quy định của Nhà nước.
5.7. Quản lý kinh tế:
a. Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp.
b. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu chi ngân sách của bệnh viện. Từng bước hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
c. Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, Bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác.
6. Thành tích đạt được
Bệnh viện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng III năm 2002 và Huân chương Lao động Hạng II năm 2007.
Năm 2014 và 2015, Công đoàn Bệnh viện được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng cờ thi đua Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.